Chiếc ultrabook Asus Zenbook đầu tiên trang bị màn hình OLED mà mình nhìn thấy và biết thông tin có từ giữa năm 2021, đấy là chiếc Zenbook UX235 OLED.
Nếu nói đúng ra thì UX235 là phiên bản năm 2020, rồi 2021 được nâng cấp tấm nền OLED để đem những lợi thế của công nghệ màn hình này tới mọi người. Nhưng phải đến gần giữa năm 2022, mình mới được thực sự trải nghiệm Zenbook OLED, với phiên bản UM5401, màn hình 4K OLED trong hai tuần liên tục.
Ở thời điểm ấy, rất dễ coi màn hình của Zenbook 14X UM5401 là trung tâm của chiếc máy, vì Asus cố tình làm như vậy. Cái tấm nền với khả năng hiển thị 100% dải màu DCI-P3, đạt luôn cả chuẩn Display HDR Trueblack 500 chắc chắn là thứ đủ để khiến anh em quên đi những khía cạnh khác của chiếc laptop.
Nhưng khá nhanh, những nỗi lo cố hữu của một thiết bị với tấm nền OLED cũng nảy sinh. Mà trong số đó, quan trọng nhất có lẽ chính là nỗi lo burn in, khi một hay một vài chi tiết trên màn hình hiện diện quá lâu, ảnh hưởng tới tuổi thọ từng bóng phát quang hữu cơ, dẫn tới hiện tượng lưu ảnh.
Thành ra lúc sử dụng chiếc máy hồi giữa năm 2022, khá nhiều thời gian mình phải nghĩ tới chuyện làm cách nào để tránh tối đa tình trạng chi tiết hình ảnh của giao diện Windows 11 lưu quá lâu trên màn hình.
Cũng có một nguyên nhân, thời điểm ấy tấm nền OLED trên Zenbook không có nhiều tính năng bảo vệ và tăng tuổi thọ màn hình, không giống như vài mẫu màn hình OLED trên máy tính để bàn đầu tiên ra mắt thị trường.
Một trong số những tính năng rất thông minh trong số đó là mở rộng thêm kích thước màn hình sang cả 4 hướng chừng 5 pixel, để liên tục di chuyển toàn bộ màn hình qua 4 hướng ấy, không để bất kỳ điểm ảnh nào lưu hình quá lâu.
Trên những chiếc TV, giới hạn hiện tượng lưu ảnh khi xem truyền hình với những cái logo ở góc màn hình đã quan trọng, còn trên máy tính, việc bảo vệ tấm nền thậm chí còn quan trọng hơn, vì vô vàn những chi tiết nhỏ trong giao diện các phần mềm hoàn toàn có thể trở thành thủ phạm khiến màn OLED bị lưu ảnh.
Vậy là sau ba năm đem màn hình OLED tới gần như mọi phân khúc laptop văn phòng, rẻ thì có Vivobook, cao cấp hơn là Zenbook, rồi phục vụ người dùng chuyên nghiệp là Zenbook Pro, ProArt Studiobook.
Asus quyết định tung ra thị trường một thế hệ màn hình OLED mới, gọi là Lumina OLED, với những cải tiến đáng kể trong cả hiệu năng, chất lượng hiển thị, và có lẽ quan trọng nhất với nhiều người, là độ bền. và tuổi thọ tấm nền.
Đáng chú ý hơn cả, dựa trên những gì mình được trải nghiệm với hai chiếc máy Zenbook Pro 14 OLED, và gần đây hơn là Zenbook 14 OLED với thế hệ chip Intel Meteor Lake, chính là tần số quét của tấm nền màn hình.
Một khi đã chuyển lên tần số quét 120Hz, thì thực sự rất khó để người dùng chúng ta quay trở về với tần số quét truyền thống 60Hz hay 90Hz như những phiên bản màn hình OLED trước đó từng xuất hiện trên Zenbook hay Vivobook.
Chỉ một thao tác rất đơn giản, đó là chạm tay di con trỏ chuột trên touchpad của chiếc laptop, rồi cảm nhận độ mượt trong hình ảnh. Sự mượt mà ấy được kết hợp với một trong những lợi thế mạnh nhất mà công nghệ màn hình OLED giờ đang có được: Tốc độ phản hồi điểm ảnh siêu nhanh.
Đồng ý một chuyện, xét riêng tới những sản phẩm màn hình Lumina OLED của Asus, tốc độ phản hồi điểm ảnh 0.2 ms là quá lớn nếu so sánh với con số 0.03 ms trên những mẫu màn hình gaming OLED cao cấp trên máy tính để bàn. Nhưng, cũng phải kể tới hai khía cạnh quan trọng.
Thứ nhất là kích thước siêu mỏng của tấm nền OLED trang bị trên laptop. Không gian chassis mặt A và mặt B của những chiếc Zenbook hay ProArt Studiobook đều bị giới hạn về mặt dung tích. Vậy là khả năng làm mát cho tấm nền hay chính bản thân độ sáng tối đa của tấm nền OLED cũng bị ảnh hưởng.
Rồi chính bản thân tốc độ điều khiển bật tắt từng diode, từng điểm ảnh trên màn hình OLED cũng phải giảm đi, vừa để đảm bảo tuổi thọ màn, vừa đảm bảo tối ưu thời lượng pin.
Thứ hai, là câu chuyện muôn thuở về tốc độ phản hồi điểm ảnh. Anh em xem giới thiệu những mẫu màn hình gaming trong thời gian qua, thường nghe tới hai thông số, tần số quét và tốc độ phản hồi. Bên cạnh cái con số 144 hay 240Hz, chúng ta cũng nghe nhiều về “tốc độ phản hồi một mili giây”.
Điều các hãng không nói, 1ms ở đây là tốc độ phản hồi GtG, viết tắt của Grey to Grey, ám chỉ tốc độ chuyển màu tông xám của các pixel từ 10% lên 90% đen hoặc ngược lại, theo tiêu chuẩn mà VESA đặt ra. Còn với hình ảnh có màu, xuất hiện trên màn hình và di chuyển, chúng ta cần một thông số kỹ thuật khác: MPRT, viết tắt của Moving Picture Response Time.
Tần số quét đôi khi không đi kèm với độ nét của hình ảnh, khi tốc độ phản hồi của điểm ảnh tạo ra những bóng mờ trên màn hình. Vậy là các nhà sản xuất màn hình nghĩ ra những giải pháp dựa trên cùng một công nghệ: Backlight Flickering.
Đèn nền màn hình tạo độ sáng cho màn IPS hay TN và VA được bật tắt theo thuật toán viết ra. Mỗi hãng màn hình đều có công nghệ nháy đèn nền để đồng bộ tần số quét khác nhau: DyAc, ULMB, LightBoost, ELMB…
Đấy là trên màn hình cần tới đèn nền LED. OLED thì sao? Nó không có đèn nền, mà mỗi diode, mỗi điểm ảnh phát quang hữu cơ đều là nguồn sáng. Thế là cũng chẳng cần tới những công nghệ đồng bộ để tối ưu chuyển động điểm ảnh.
Mọi thứ di chuyển trên màn hình OLED ở tốc độ cao, dù là clip hay game, đều cực kỳ nét, không có bóng mờ. Đối với những đối tượng người dùng khác, ví dụ chỉ xài chiếc Zenbook 13 siêu nhẹ để làm việc văn phòng và giải trí cơ bản hàng ngày, hay những người làm công việc sáng tạo nội dung, có lẽ không để tâm quá nhiều tới độ mượt mà của chuyển động chi tiết hình ảnh trên màn hình.
Nhưng với những người chơi game PC, OLED là một công nghệ thực sự tuyệt vời, tạo ra được những trải nghiệm mà cả LED hay Mini LED hiện tại đều không thể so sánh được.
Chỉ có một điều, công nghệ OLED vẫn chưa phải thứ dành cho tất cả mọi người, nếu xét riêng tới những chiếc màn hình ROG Swift mà Asus đang bán ra thị trường. Còn mình nhớ như in cái thời điểm Asus demo chiếc máy thử nghiệm Zephyrus S tại Computex 2019.
Nhưng mãi tới tận bây giờ, CES 2024, hai chiếc Zephyrus G14 và G16 mới được ra mắt chính thức. Trên những mẫu laptop gaming này, màn OLED của Asus có cái tên rất kêu, ROG Nebula. Nhưng cho dù là Lumina hay ROG Nebula, thì những lợi thế và những thông số kỹ thuật của tấm nền cũng không khác biệt quá nhiều.
Chỉ có khác biệt đáng kể nhất nằm ở tần số quét. Những thiết bị cho người dùng văn phòng và sáng tạo nội dung dừng lại ở 120Hz là quá đủ để tạo ra trải nghiệm đáng ngạc nhiên. Còn với game, 240Hz đã trở thành tiêu chuẩn mới của laptop gaming cao cấp, đôi khi còn thấy cả độ phân giải Full HD 360Hz.
Viết hay thậm chí là ngồi quay những đoạn video trải nghiệm gửi tới anh em về màn hình thực sự rất khó để mô tả cái cảm giác nhìn vào một màn hình OLED khác biệt như thế nào. Chỉ cần mở một bộ phim trên Netflix hỗ trợ chuẩn hình ảnh Dolby Vision, hay những nội dung chuẩn HDR 10, thì công nghệ màn hình Lumina OLED đạt tiêu chuẩn VESA DisplayHDR True Black 500 mới phát huy tác dụng.
HDR trên những màn hình LED hay Mini LED có thể có độ sáng tối đa cao hơn. Nhưng độ tương phản 1.000.000:1 là thứ không gì so được với công nghệ OLED. Chỉ một ví dụ rất đơn giản khác thôi, mở bất kỳ trò chơi nào trên PC mà Sony Interactive Entertainment phát hành
Dòng chữ trắng tinh trên nền đen sâu thẳm lúc mở đầu God of War hay Horizon Zero Dawn, không có một chút ánh sáng xung quanh viền con chữ, mọi chi tiết đều cực kỳ rõ nét. Một dòng chữ như vậy thôi cũng là hoàn toàn đủ để nói về khác biệt giữa OLED và IPS.
Độ sâu màu đen gần như tuyệt đối, độ tương phản cực cao là đặc trưng của tấm nền OLED, chưa kể, độ bao phủ của dải màu DCI-P3 là 100% (100% sRGB, 90% Adobe RGB), độ sai màu sắc DeltaE cũng < 1, dù có một số màu sắc nhất định có độ sai lệch nhưng nhìn chung thì nó đã quá thoả mãn cho những người dùng mà chiếc máy này hướng đến.
Và khi trải nghiệm chi tiết ba chiếc máy, Zenbook Pro 14 OLED, Zenbook S 13 OLED năm 2023 và sau gần đây là Zenbook 14 OLED thế hệ chip Meteor Lake mới ra mắt cách đây vài tuần, mới bắt đầu thấy được những giải pháp mà Asus ứng dụng để tối ưu tuổi thọ màn hình.
Đó chính là những hình ảnh screen saver hữu ích để không có điểm ảnh nào trên màn hình phải hiển thị những chi tiết giao diện các phần mềm Windows, để tấm nền được thay đổi màu sắc và cường độ liên tục.
Mà cũng chưa dừng lại ở đó, với Asus OLED Care, thì miễn là còn thời hạn bảo hành laptop, Asus sẽ đổi mới miễn phí màn hình máy tính của anh em nếu xảy ra hiện tượng burn in.
Với rất nhiều lựa chọn, sáng tạo nội dung có ProArt Studiobook Pro 16 hoặc Zenbook Pro 16X, mỏng gọn phục vụ nhu cầu văn phòng có S 13 OLED, 14 OLED, hay ở mức giá dễ tiếp cận hơn là Vivobook S 14, dễ nhận ra một định hướng của Asus.
Từ đó họ bắt đầu mang công nghệ màn hình OLED với những lợi thế rất mạnh ở khía cạnh độ chính xác màu sắc tới những đối tượng người dùng cần tới màn hình hiển thị dải màu đáng tin cậy, rồi sau đó tới phần đông người dùng, và trong năm nay, với sự ra mắt của Zephyrus G14/16 cho cộng đồng gamer.
Trích dẫn từ tinhte.vn
Trả lời