Sau nhiều tháng chờ đợi, Intel Lunar Lake hay còn được biết đến dưới cái tên chính thức là Core Ultra Series 2 (Core Ultra 200V), cuối cùng đã ra mắt. Đây là nền tảng mà Intel sẽ dùng để lật ngược thế cờ trong cuộc chiến chip xử lý di động.
Công ty cho biết sẽ đập tan quan niệm kiến trúc Arm tiết kiệm năng lượng hơn x86, đối đầu với mọi đối thủ từ Snapdragon X của Qualcomm, đến Strix Point của AMD và có lẽ là không loại trừ M3 và M4 của Apple, cũng sử dụng kiến trúc Arm.
Hiện tại chúng ta vẫn chưa biết dòng chip nào tốt hơn, vì đợt laptop Intel Core Ultra Series 2 đầu tiên đến ngày 24 tháng 9 mới giao hàng. Nhưng Intel đã làm theo một câu thành ngữ khi phát triển Core Ultra mới: nếu không thể đánh bại họ, hãy tham gia cùng họ.
Đúng vậy — chip laptop mỏng nhẹ Core Ultra Series 2 được tích hợp sẵn RAM. Nó sẽ không thể nâng cấp và về cơ bản, đây chính là động thái mà Apple đã thực hiện cách đây bốn năm, khi họ ngừng sử dụng chip Intel.
Apple nổi tiếng với nhiều thứ, nhưng thường không phải là hãng tiên phong phát triển một thứ gì đó, ít nhất là trong nhiều năm qua. Thông thường, cách tiếp cận của công ty là quan sát và kiên nhẫn, để tất cả các công ty khác tung ra sản phẩm thử nghiệm, sau đó nhảy vào thị trường khi công nghệ đã hoàn thiện.
Nhưng đôi khi, Apple thực sự thúc đẩy sự thay đổi trong ngành công nghệ. Bằng tầm ảnh hưởng của mình, Apple đã khai tử giắc cắm tai nghe trên hầu hết các thiết bị tiêu dùng, cũng như sự chuyển dịch sang các sản phẩm công nghệ không thể nâng cấp.
Họ đã bắt đầu hàn bộ nhớ vào bo mạch chính của các mẫu MacBook Air gần hai thập kỷ trước. Hầu như mọi người đều chỉ trích động thái này, do tùy chọn nâng cấp RAM chi phí cao tại thời điểm mua và thiếu tiềm năng nâng cấp sau khi mua.
Bắt đầu với việc chuyển sang chip tự thiết kế vào năm 2020, mọi chip dòng M, từ M1 đầu tiên đến M4 mới nhất, đều có bộ nhớ tích hợp. Nó được gọi là bộ nhớ hợp nhất và cung cấp cho cả CPU, GPU và NPU trên SoC (hệ thống trên chip) quyền truy cập vào cùng một bộ nhớ hệ thống. Thiết kế này tránh được quy trình dư thừa, vì các thiết bị điện toán thông thường cung cấp RAM cho nhiều phần riêng biệt của hệ thống, như RAM CPU và GPU.
Intel đang áp dụng một chiến lược tương tự với Core Ultra Series 2. Core Ultra Series 2 có 9 phiên bản khác nhau và mỗi bản đều có bộ nhớ tích hợp, đó có thể là 16GB hoặc 32GB RAM được tích hợp sẵn trong chính chip. Người dùng không thể nâng cấp RAM nữa, nhưng điều này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng tốt hơn.
Không thể phủ nhận rằng Apple đã đánh bại Intel trong bốn năm qua và ngày nay, ngay cả Intel, công ty mà Apple đã bỏ lại phía sau, cũng đồng ý rằng tích hợp bộ nhớ vào chip xử lý là lựa chọn chính xác cho laptop mỏng nhẹ.
Sức mạnh phải đi đôi với bền bỉ
Tại sao Intel lại theo bước Apple? Bước tiến lớn của Apple với silicon của riêng mình là hiệu suất trên mỗi watt. Chip Arm thường đánh bại chip x86 trong lĩnh vực này, nhưng Intel muốn đập tan suy nghĩ đó vì vậy họ cần phải làm cho Core Ultra Series 2 sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Hiện tại, công ty đang làm theo cách giống hệt như Apple đã làm cách đây bốn năm — tích hợp bộ nhớ hệ thống vào CPU.
Dòng sản phẩm mới có bộ nhớ LPDDR5X 16GB hoặc 32GB được hàn trực tiếp vào chip, và điều này sẽ làm tăng hiệu suất. Trước đây, CPU phải giao tiếp với bo mạch chủ và RAM, làm tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Mọi thứ hiện tại đều ở một nơi, có thể nói là loại bỏ những quy trình trung gian. Đây là một phần lý do tại sao Intel tự tin Core Ultra Series 2 cung cấp hiệu suất trên mỗi watt tốt hơn 20% so với chip X1E-80-100 (Snapdragon X Elite) của Qualcomm.
Bộ nhớ tích hợp không phải là lý do duy nhất giúp Core Ultra Series 2 có đủ sức thách thức Apple và Qualcomm về hiệu suất và hiệu quả năng lượng, nhưng đó là một lý do lớn. Apple là công ty tiên phong trong loại kiến trúc này. Họ đã sử dụng nó trên iPhone và iPad từ hơn một thập kỷ trước và gần đây hơn là giới thiệu bộ nhớ hợp nhất trên silicon của Apple vào năm 2020.
Apple từ sớm đã xác định được xu hướng khách hàng
Đối với những người đam mê phần cứng máy tính, sự đánh đổi có thể không đáng. Có thể sẽ có tệp khách hàng sẵn sàng chấp nhận thời lượng pin kém hơn để đổi lấy RAM nâng cấp được. Vấn đề là xu hướng của người tiêu dùng đang đi theo hướng ngược lại.
Phần lớn muốn thời lượng pin tốt hơn và khung máy mỏng hơn. Đơn giản là một chiếc laptop không thể có tất cả những điều đó mà vẫn giữ cách thành phần nâng cấp được, vì vậy các nhà sản xuất chip và thương hiệu laptop liên tục hy sinh khả năng sửa chữa và nâng cấp để đẩy mạnh tính di động cũng như thời lượng pin.
Apple xác định những xu hướng này vào năm 2008. Công ty đã đưa ổ cứng iPod vào chiếc MacBook Air đầu tiên, thách thức các quan niệm laptop vào thời điểm đó. MacBook Air đã thúc đẩy toàn bộ thị trường laptop mỏng và nhẹ, trên cả nền tảng Mac và Windows. Mọi thứ Apple đã làm kể từ đó, từ tích hợp bộ nhớ và SSD vào bo mạch cho đến giới thiệu SoC (Hệ thống trên chip) cho máy tính với bộ nhớ hợp nhất, đều nhằm đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng.
Nỗ lực này đã đạt đến đỉnh cao với M3 MacBook Air, một chiếc ultrabook không quạt với thời lượng pin đáng kinh ngạc. Hiện tại, Intel đang cố gắng sản xuất chip Core Ultra Series 2 để hợp với xu hướng tiêu dùng mà Apple tạo ra. Intel tuyên bố rằng Core Ultra Series 2 hỗ trợ thời lượng pin tốt hơn 60% và đây là một trong những trọng tâm đối với nền tảng này. Việc tích hợp RAM vào bộ xử lý Core Ultra Series 2 nhằm mục đích cải thiện thời hiệu quả năng lượng chỉ là một cách để Intel thừa nhận rằng Apple đã đúng ngay từ đầu.
Nhưng Intel không chỉ biết đi theo Apple, họ cũng có những chiến lược riêng. Khác với Apple dùng SoC trên cả laptop và máy Mac Pro hàng đầu, Intel sẽ không tích hợp RAM vào CPU của mọi bộ xử lý mới, mà chỉ dành cho các bộ xử lý dành cho laptop. Đây là một động thái tuyệt vời có thể làm hài lòng cả người cần laptop mỏng nhẹ cũng như người dùng máy tính để bàn cần ưu tiên sức mạnh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là Intel đang thực hiện những gì Apple đã làm cách đây nhiều năm.
Trích dẫn từ https://thanhnienviet.vn
Trả lời